78 Độ Minh Triết - Lá Bài The High Priestess | Bài Tarot gốc giá rẻ | Mystic Tarot Shop

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The High Priestess

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The High Priestess

Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

(Dịch: Pansy88)

CHƯƠNG III: NHỮNG LÁ CHÍNH MỞ ĐẦU – BIỂU TƯỢNG VÀ NGUYÊN MẪU

THE HIGH PRIESTESS

Quay lại mục lục

Lá Bài The High Priestess

Bill Butler, trong cuốn The Definitive Tarot đã nêu ý kiến về các nguồn gốc huyền thoại-lịch sử của nguyên mẫu nữ này. Suốt thời Trung cổ tương truyền rằng có một người phụ nữ từng được bầu làm Giáo Hoàng. Sau nhiều năm cải trang làm nam giới, người được xem là “Giáo hoàng Joan” này đã vượt qua hệ thống cấp bậc Nhà thờ để lên đến vị trí cao nhất, và chỉ qua đời khi sinh một đứa trẻ trong lễ Phục Sinh.

Giáo Hoàng Joan gần như là một huyền thoại nhưng các nữ Giáo Hoàng Visconti thì là thật. Vào cuối thế kỷ mười ba một nhóm người Ý được gọi là Guglielmite tin rằng người sáng lập của họ, Guglielma của Bohemia, người đã chết năm 1281, sẽ sống lại vào năm 1300 và mở ra một kỷ nguyên mới với phái nữ làm giáo hoàng. Họ đi tiên phong bằng cách bầu một người phụ nữ tên Manfreda Visconti làm nữ giáo hoàng đầu tiên. Nhà thờ đã kiên quyết chấm dứt dị giáo này bằng cách hỏa thiêu Sơ Manfreda vào năm 1300, năm được cho là bắt đầu kỷ nguyên mới. Vài trăm năm sau cũng nhà Visconti ấy đã đặt làm bộ bài Tarot đầu tiên như ta biết. Trong những lá chính không số và không tên đó xuất hiện một bức vẽ một người phụ nữ mà những bộ bài sau đã đặt tên là “Nữ Giáo Hoàng”.

Cái tên giữ nguyên như vậy cho đến thế kỷ mười tám khi Bá tước Gebelin, người tin rằng Tarot bắt nguồn từ tôn giáo thờ thần Isis của Ai Cập cổ, đã đổi nó thành The High Priestess (Nữ Tư Tế). Ngày nay cả hai cái tên đều tồn tại (cũng như “Isis Che Mạng”), và hình ảnh Waite của lá này bắt nguồn trực tiếp từ trang phục tượng trưng của nữ tư tế Isis, đặc biệt là chiếc vương miện đại diện cho ba giai đoạn của mặt trăng.

ý nghĩa lá bài The high priestess

Huyền thoại Giáo Hoàng Joan và Manfreda Visconti không đơn giản là những chuyện lạ mang tính lịch sử. Chúng minh họa cho một sự phát triển xã hội lớn trong thời Trung cổ, sự tái khởi đầu cho phái nữ và các nguyên tắc nữ giới trong tôn giáo và vũ trụ học. Những hình ảnh và ý niệm đi kèm với vai trò của nam giới đã thống trị cả Nhà thờ lẫn Do Thái giáo hàng thế kỷ. Kết quả là người bình thường nhìn nhận tôn giáo của các linh mục và các giáo sĩ là những gì xa cách, khó khăn và không thể tiếp cận được, với sự nhấn mạnh của họ đối với tội lỗi, sự phán xét và trừng phạt. Người bình thường muốn các phẩm chất về lòng trắc ẩn và tình yêu. Và họ đồng nhất những phẩm chất này với phụ nữ. Như một người mẹ che chở con của bà khỏi những thứ như sự nghiêm khắc lãnh đạm của người cha, một thánh nữ giả sử sẽ xâm nhập để những kẻ tội lỗi đã cảm hóa có thể chống chọi được trước những phán xét không khoan nhượng từ Đức Cha.

Thật thú vị khi nhận ra rằng theo nhiều phương diện Nhà thờ đã xem Christ, Đức Chúa Con, chính xác với vai trò mang đến tình yêu và lòng từ bi này. Tuy nhiên, người ta đòi hỏi một người phụ nữ thực sự. Thậm chí quan niệm về Nhà thờ như một “Nhà thờ Mẫu” (Mother Church) cũng không đủ đáp ứng. Cuối cùng, Nhà thờ cũng đầu hàng bằng cách nâng Đức Mẹ Đồng Trinh Mary lên một cấp gần như là ngang với chính bản thân Christ.

Nhiều tác giả và học giả tin rằng sự nâng cấp của Mary – cũng như trang phục váy dài của các linh mục – bắt nguồn từ mong muốn đồng hóa tôn giáo thờ nữ thần đã bám rễ từ thời tiền Thiên Chúa của Nhà thờ. Nếu thật như vậy thì điều này sẽ cho thấy chủ nghĩa bảo tồn văn hóa không quyền lực bằng nguyên mẫu nữ để có thể duy trì một sự vững vàng và một chiến thắng thiên vị trước những cấm đoán.

Trong Do Thái giáo, tôn giáo chính thống của các giáo sĩ xoay sở để chống lại bất kỳ một phong trào nữ quyền nào trỗi dậy. Nhu cầu của người dân, tuy nhiên, lại vững bền ở một lĩnh vực khác: truyền thống lâu dài của Qabalah. Những người theo Qabalah lấy một cụm từ từ bộ luật của người Do Thái (Talmud), “Shekinah”, có nghĩa là tuyên ngôn vinh quang của Chúa ở thế giới vật chất, và sửa nó thành bản ngã của Chúa, hay là phần nữ tính. Những người theo Qabalah cũng sửa quan niệm về Adam, biến anh ta thành nguyên gốc là người lưỡng tính. Sự phân tách Eve khỏi Adam, và cả sự phân tách Shekinah khỏi Chúa, trở thành nguyên nhân của Sa Ngã (Fall); việc thiếu vắng tính nữ trong các tôn giáo chính thống gần như trở thành vấn đề tội lỗi chứ không phải là trong trắng.

Xa hơn ta đã thấy phẩm chất người mẹ nhân từ của những hình tượng nữ giới thần thoại. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, các nữ thần cũng luôn thể hiện mặt tăm tối, bị che giấu. Giới thiệu đến toàn bộ tính nữ là giới thiệu đến cả nguyên mẫu. Tarot chia nguyên mẫu nữ thành hai lá chính và thực sự là đã ấn định các phẩm chất nhân hậu cho lá thứ hai (tức lá chính số 3), lá The Empress. Tự thân lá The High Priestess đại diện cho một mặt sâu hơn, huyền ảo hơn của nữ giới, là mặt thuộc về bóng tối, mặt huyền bí và mặt bị ẩn giấu. Bởi vậy, nàng kết nối với mặt trinh trắng của Mary Đồng Trinh, mặt con gái trong trắng của Shekinah (người đồng thời được mô tả là mẹ, vợ và con gái).

Chúng ta nên nhận ra rằng sự ấn định phẩm chất này cho phụ nữ phần lớn là từ phái nam và các quan niệm nam giới. Những người theo Qabalah, những nhà huyền bí, và những nhà thiết kếTarot, tất cả đều thương hại cho sự phân loại đàn ông và đàn bà và họ truyền dạy sự thống nhất như một thành tựu cuối cùng. Điều này thể hiện trong lá The World Dancer của bài Tarot. Họ đã vượt trội hơn các tôn giáo có hệ thống vốn còn đang tranh cãi liệu rốt cuộc phụ nữ có linh hồn hay không. Tuy vậy, đàn ông vẫn thực hiện các phân loại. Đối với đàn ông, phụ nữ luôn luôn xuất hiện một cách bí ẩn, kỳ lạ và, khi an toàn trong vai trò người mẹ thì đầy tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Phụ nữ dường như rất lạ lùng đối với đàn ông, huyền ảo hơn trong suy nghĩ của họ và phi lý trí. Trong thời đại của chúng ta, các tiểu thuyết và phim ảnh nối tiếp nhau mô tả những người đàn ông đơn giản bị những người phụ nữ gian xảo thao túng.

Việc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài theo kỳ trăng kết nối phụ nữ với vật thể màu bạc xa xôi ấy. Tự bản thân kinh nguyệt, tức sự chảy máu liên tục từ cơ quan sinh dục, không gây thiệt hại về mạng sống, đơn giản đã dọa đàn ông sợ khiếp hàng thế kỷ. Thậm chí ngày nay những người Do Thái mê tín còn tin rằng một giọt máu kinh có thể làm chết một cái cây. Xa hơn, sự bí ẩn đáng sợ của việc sinh nở đã nối phụ nữ với quan niệm về bóng tối. Bào thai lớn lên và linh hồn nhập vào nó trong bóng tối ấm áp ẩm ướt của tử cung. Tính mẫu nối phụ nữ với đất đai, và ở đó bóng tối cũng thống trị. Hạt giống nằm trong đất qua mùa đông tối tăm chết chóc, để vươn thành thực phẩm dưới những tia nắng ấm áp đầy an ủi của mặt trời, vốn, trong nhiều nền văn hóa, được xem như nam giới.

Cũng như ánh mặt trời thâm nhập vào lòng đất, nam giới cũng thâm nhập vào nữ giới và để lại một hạt giống trong tử cung thần bí của nàng. Chúng ta có thể dễ dàng thấy cách đàn ông tự xem mình là chủ động và xem phụ nữ vừa là bị động vừa là bí ẩn. Người ta thường nối bị động với “tiêu cực” hoặc bị động là hướng nội và yếu ớt. Nhưng bị động mang sức mạnh riêng của nó. Nó cho tâm trí cơ hội để hoạt động. Những người chỉ biết đến hành động không bao giờ có cơ hội để xem xem những hành động đó đã dạy họ những gì. Trong một nghĩa sâu xa hơn, bị động cho phép tiềm thức phát triển. Chỉ bằng cách rút khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài thì chúng ta mới có thể cho phép tiếng nói từ bên trong của sức tưởng tượng và các sức mạnh tinh thần nói với mình. Chính xác là để tránh đi tiếng nói bên trong này mà nhiều người đã không bao giờ ngừng hành động và vận động. Xã hội của chúng ta, hoàn toàn lấy các thành tựu bên ngoài làm nền tảng, nuôi dưỡng một nỗi khiếp sợ đối với tiềm thức, tuy nhiên nếu không có sự thông tuệ của tiềm thức ta sẽ không bao giờ hoàn toàn hiểu bản thân hay thế giới.

Lá The High Priestess đại diện cho tất cả những phẩm chất này: bóng tối, sự bí ẩn, các sức mạnh tinh thần, quyền năng của mặt trăng khuấy động tiềm thức, sự thụ động và những tri thức nhận được từ nó. Tri thức này không thể diễn tả bằng lời lẽ lý trí; cố gắng làm thế sẽ ngay lập tức giới hạn, thu hẹp và làm nó méo mó đi. Hầu hết mọi người đôi lúc sẽ thấy như họ đã hiểu ra một điều gì đó theo một cách thức sâu xa mà họ không thể nào giải thích được. Thần thoại giống như các phép ẩn dụ của các cảm giác tinh thần sâu sắc. Tuy nhiên bản thân thần thoại, giống như những giải nghĩa do các nhà thần học và các nhà nhân loại học đưa ra, chỉ là các biểu tượng. The High Priestess biểu thị cho tri thức bên trong ở mức độ sâu nhất của nó.

Nàng ngồi giữa hai cây cột, đại diện cho cả đền thờ Isis lẫn đền thờ Hebrew cổ ở Jerusalem, nơi trú ngụ của Chúa ở nhân gian, hay nói cách khác, là nhà của Shekinah. Một tấm màn treo giữa hai cây cột, cho thấy nó ngăn ta đi vào địa phận của tri thức. Hình ảnh đền thờ được phủ màn hoặc hình ảnh chốn tôn nghiêm đã xuất hiện trong nhiều tôn giáo. Người ta bảo chắc chắn Shenikah ngụ trong rương chứa pháp điển được phủ màn của đền thờ.

Ngày nay, hầu hết mọi người đều vờ rằng chúng ta bị cấm đi qua các cây cột của lá The High Priestess. Thực tế đơn giản là ta không biết cách thôi. Bước vào sau tấm màn tức là sẽ biết được một cách ý thức những tri thức phi lý tính của vô thức. Đây là mục đích của cả bộ Ẩn Chính. Hãy quan sát cẩn thận bức vẽ của Smith. Bạn có thể thấy những gì nằm sau tấm màn bằng cách nhìn vào khoảng giữa tấm màn và những cây cột. Và thứ nằm phía sau đó là nước. Không phải là đền đài hùng vĩ hay những biểu tượng phức tạp mà chỉ đơn giản là một hồ nước, một dãy những ngọn đồi và bầu trời. Hồ nước biểu trưng cho vô thức và sự thật bị che dấu ở đó. Nước tĩnh lặng, những bí mật nằm trong lòng sâu thẳm tối tăm nhất của nó, ẩn dưới bề mặt phẳng lặng. Đối với hầu hết chúng ta, vào hầu hết thời gian, tiềm thức hỗn loạn vẫn nằm ẩn dưới lớp ý thức điềm tĩnh. Chúng ta không thể bước vào đền thờ bởi vì chúng ta không biết cách làm sao để tự đi vào; do đó ta phải du hành qua các lá chính cho tới khi ta chạm đến lá The Star và lá The Moon, đến nơi mà ta cuối cùng cũng có thể khuấy động nước và quay về ánh sáng ý thức của lá The Sun cùng với tri thức (mà ta đã nhận được – ND).

Đền thờ bắt đầu cho hình ảnh của hai cây cột, và chủ đề lưỡng phân và đối lập. Hình ảnh này xuất hiện vài lần nữa suốt các lá chính ở những nơi rõ ràng như cột nhà thờ của lá The Hierophant hay hai tòa tháp của lá The Moon (hai cây cột của lá The High Priestess nhìn từ phía bên kia), nhưng cũng theo những cách mơ hồ hơn như hai con nhân sư của lá The Chariot, hay người đàn ông và người phụ nữ của lá The Lovers. Cuối cùng, lá Judgement, với đứa trẻ đứng giữa người đàn ông và người phụ nữ, và lá The World, cầm hai cây gậy, giải quyết sự lưỡng phân bằng cách thống nhất những bí ẩn bên trong với sự nhận thức bên ngoài.   

Các chữ cái “B” và “J” tượng trưng cho Boaz và Jakin, những cái tên được đặt cho hai cây cột chính của đền thờ ở Jerusalem. Rõ ràng là cột Boaz đen tượng trưng cho sự thụ động và những điều bí ẩn trong khi cột Jakin biểu trưng cho chủ động và sự ý thức. Mặc dù vậy, hãy chú ý rằng các chữ cái mang dấu hiệu ngược lại, chữ B trắng và chữ J đen. Giống như các chấm tròn trong biểu tượng âm-dương, các chữ cái biểu thị rằng sự phân cực là một ảo ảnh, và cực này thì chứa cực kia ẩn bên trong nó.

Trong lòng nàng, nàng giữ một cuộn giấy có chữ “Tora”. Cái tên này quy chiếu đến bộ luật Do Thái, bộ Ngũ Thư của Moses (the Five Books of Moses), vốn thường được đánh vần là “Torah” trong tiếng Anh.  Cách đánh vần đặc thù cho phép từ này thực hiện đảo chữ thành từ “Taro”. Như vấn đề cơ bản của cả phái thiền Qabalah (giống như sự đóng đinh Chúa Jesus đối với những bí ẩn của Thiên Chúa giáo) kinh Torah liên quan lớn đến những ý nghĩa mang tính bí truyền. Những người theo Qabalah tin rằng kinhTorah được đọc vào các sáng thứ Bảy ở các giáo đường chỉ là một bản đại diện, một kiểu phần bóng của bản Torah thật, của những lời sống động của Chúa tồn tại trước cả vũ trụ và chứa đựng bên trong nó tất cả những tồn tại thực sự. Kinh Tora được The High Priestess giữ, cuộn lại và ẩn một phần bên trong áo choàng của nàng, do vậy cho thấy một kiến thức cao hơn gần gũi với chúng ta cùng sự hiểu biết thấp hơn của chúng ta. Ta cũng có thể mô tả nó như những sự thật tâm linh hiển hiện cho chúng ta nhưng chỉ là dưới dạng đã bị méo mó đi của những câu chuyện thần thoại và những giấc mơ.

Phần trước ta đã nói về việc lá The Fool đến vào những thời khắc quyết yếu của sự thay đổi để thúc đẩy ta. Khoảng cách giữa lá The High Priestess và lá The Empress là một dạng thời khắc như vậy. Chúng ta cũng dễ dàng bị sự trầm tĩnh tối tăm của lá chính thứ hai quyến rũ, thậm chí là khi ta không bao giờ thực sự xâm nhập vào những bí mật của nó. Một người bắt đầu sự kỷ luật về tâm linh thường thích ở một mức độ vô thực hơn là trải qua việc tập luyện chậm chạp khó nhọc nhưng cần thiết để tiến bộ. Nhiều người ở những tình huống bình thường hơn sẽ thấy cuộc sống quá nặng nề, quá rộng lớn và nhiều đòi hỏi, quá khó để họ có thể tham gia vào. Ta có thể tốt nhất là dùng sự thụ động của The High Priestess như một sự cân bằng với thái độ trưng ra cho thiên hạ thấy của lá The Magician, nhưng nhiều người lại thấy phần thụ động cực kỳ thu hút. Nó đại diện cho một câu trả lời để cố gắng đạt tới, một sự rút lui yên lặng thay vì ánh sáng gay gắt của việc tự phát giác bản thân khi ta chủ động cởi mở hòa mình cùng những người khác.   

Nhưng tinh thần con người không hoạt động như thế. Nó yêu cầu những đam mê và nó cần phải nối kết chính nó với thế giới. Ovid bèn kể câu chuyện về Actaeon, một thợ săn, và do đó là một hình tượng của những kẻ chắc hẳn đã thuộc về thế giới của hành động. Một ngày nọ anh ta bỗng thấy một dòng suối và quyết định men theo nó đến tận nguồn (một lần nữa, nước là biểu tượng của vô thức). Bởi vậy anh ta bị tách khỏi bầy chó của mình và những thợ săn khác, và khi anh đến được nguồn suối, cách xa khỏi thế giới náo nhiệt, anh thấy những nàng trinh nữ. Giữa bọn họ, trần truồng đứng đó một vị nữ thần trinh trắng, Diana. Lúc bấy giờ, nếu Actaeon lập tức quay lại thế giới bên ngoài anh sẽ thấy cuộc đời mình thật phong phú. Thay vì vậy, anh lại để sắc đẹp của Diana mê hoặc; anh đã đứng đó quá lâu và vị nữ thần, nhận thấy người đàn ông đã thấy sự trần trụi của nàng (hãy so sánh những lớp áo của The High Priestess với sự khỏa thân của người con gái của lá The Star) liền biến Actaeon thành một con hươu đực. Khi anh chạy trốn, khiếp hãi, bầy chó của anh đã xé anh thành từng mảnh.

Ở đây lá The Fool tiến vào (và hãy nhớ lại chú chó của Fool, nhảy nhót bên cạnh anh), nhắc chúng ta hãy nhảy múa khỏi cả hai ảo tượng này, lá The Magician cũng như lá The High Priestess, cho đến khi ta thực sự sẵn sàng đồng hóa chúng.

Những ý nghĩa tiên đoán của The High Priestess liên quan đầu tiên đến cảm nhận về những bí ẩn của cuộc sống, cả những thứ ta không biết và những thứ ta không thể biết. Nó cho thấy một cảm nhận về bóng tối, đôi lúc giống như phần sợ hãi trong cuộc sống của chúng ta, nhưng đôi lúc lại là phần xinh đẹp. Giai đoạn rút lui bị động có thể làm cuộc sống chúng ta thêm giàu đẹp bằng cách cho phép những thứ bên trong thức tỉnh.

Như một tượng trưng cho những kiến thức bí mật, lá chính này biểu hiện cảm giác về một sự thấu hiểu câu trả lời của một vấn đề vĩ đại nào đó bằng trực giác, chỉ khi ta diễn đạt câu trả lời đó một cách có ý thức. Đặc biệt hơn, lá bài có thể quy chiếu đến những ảo ảnh và đến những sức mạnh huyền bí hay tâm lý, như là sự tiên tri.

Trong khía cạnh động nhất của nó, lá The High Priestess biểu thị những tiềm năng trong cuộc sống của chúng ta – những khả năng rất mạnh mẽ mà ta đã không nhận thấy, dù ta có thể cảm nhận được chúng. Bước tiếp theo phải là hành động hoặc tiềm năng sẽ không bao giờ được nhận ra.

Ngược với sự thông tuệ sâu sắc của mình, lá bài đôi lúc có thể mang nghĩa tiêu cực. Giống như hầu hết các lá chính, giá trị của lá The High Priestess tùy thuộc vào nội dung của những lá bài khác. Xét theo mặt tiêu cực, lá chính này cho thấy sự thụ động vào sai thời điểm hoặc đã kéo dài quá lâu, dẫn đến sự yếu đuối, sợ hãi cuộc đời và những người khác. Nó thể hiện một người có trực giác mạnh nhưng không thể biến cảm giác thành hành động, hay một người sợ mở lòng với người khác. Dù là khía cạnh tốt hay xấu của lá bài xuất hiện trong một thế bài đặc thù thì nó cũng tùy thuộc vào những lá xung quanh và tất nhiên là vào trực giác của người đọc bài (chúng ta là một phần của lá The High Priestess mỗi khi ta đọc các lá bài). Việc viện đến cả hai nghĩa thì rất thường thấy. Con người có nhiều hơn một mặt mà.  

Lá The High Priestess là một nguyên mẫu, một bức tranh đơn lẻ mang nghĩa của một khía cạnh của sự tồn tại. Khi lật ngược nó tức là ta đã mang đến những phẩm chất bị mất. Lá bài ngược biểu thị một sự xoay chuyển hướng đến đam mê, hướng đến một sự tham gia sâu rộng vào cuộc sống và với những người khác, trong tất cả mọi lĩnh vực từ cảm xúc, tình dục đến cạnh tranh. Tuy nhiên, quả lắc có thể lắc quá xa, và rồi lá bài ngược có thể biểu trưng cho sự mất mát hầu hết những kiến thức quý báu đó: sự cảm nhận bản ngã bên trong của chúng ta. 

.

Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The High Priestess
5 (100%) 1 vote

Bình luận

Bình luận

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã xác nhận * Time limit is exhausted. Please reload CAPTCHA.


Chat Live Facebook