78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Emperor
Seventy Eight Degrees of Wisdom
Rachel Pollack
(Dịch: Pansy88)
CHƯƠNG IV: CHUỖI VẬT CHẤT
LÁ BÀI THE EMPEROR
Lá Bài The Emperor
Đối với mỗi đứa trẻ thì cha mẹ chúng chính là nguyên mẫu. Không chỉ người mẹ hay người cha, mà là Mẹ và Cha. Bởi mẹ cho chúng ta cuộc sống, nuôi ta ăn và chở che ta, ta sẽ có xu hướng xem bà như một hình tượng của tình yêu và lòng trắc ẩn (và rất buồn khổ nếu bà xử sự cay nghiệt hay lạnh lùng). Song Người Cha, đặc biệt là vào thời xưa khi các vai trò về giới chặt chẽ hơn thời nay, luôn xa cách hơn, và do đó là một hình tượng của sự nghiêm khắc. Đó là người cha mang quyền lực và bởi vậy, trở thành người phán xét, là người cha trừng phạt (còn người mẹ thì can thiệp), là người cha dạy chúng ta những quy tắc xã hội và đòi hỏi sự phục tùng. Đối với đứa trẻ, người cha theo nhiều cách không thể tách biệt khỏi toàn xã hội, cũng như bản thân người mẹ chính là tự nhiên. Một trong những khoảnh khắc đau đớn nhất trên bước đường trưởng thành của nhiều người là khi họ khám phá ra những hạn chế rất con người của cha mẹ mình.
Trong sơ đồ phát triển tinh thần của những cặp tương đồng của Freud, người cha và các quy tắc xã hội trở nên liên kết trực tiếp với nhau. Tinh thần trẻ sơ sinh đòi hỏi sự thỏa mãn không ngừng, đặc biệt là những ham muốn được ăn và những cưng nựng của mẹ. (Những người theo học thuyết của Freud có thể cho rằng đứa trẻ mong mỏi sự giao tiếp thực sự với người mẹ, nhưng tình huống vẫn thế thôi dù đứa trẻ chỉ tìm kiếm niềm vui thích được ôm trong lòng mẹ.) Bằng cách quấy rầy mối quan hệ của đứa trẻ với mẹ của nó, người cha khuấy động sự thù địch của đứa trẻ, và vì đứa bé sơ sinh không bị kiềm hãm điều gì, sự thù địch này có nghĩa là mong muốn loại bỏ đi kẻ quấy rầy đó. Thôi thúc hủy đi người cha, tuy nhiên, lại không thể trọn vẹn hay thậm chí không được nhận thấy, thế nên tinh thần, để làm dịu đi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, đồng nhất chính nó với hình ảnh Người Cha, tạo ra một thứ “siêu kỷ” (super-ego) như một hướng dẫn mới cho bản thân [thay thế cho “xung động bản năng” (id) – những thôi thúc và ham muốn dẫn đến khủng hoảng]. Nhưng cái siêu kỷ này có dạng thức ra sao? Đó chính là dạng thức của những quy tắc xã hội, học được từ những chỉ dẫn của người cha theo truyền thống.
Hai lá chính 3 và 4 của Tarot đại diện cho cha mẹ trong những vai trò nguyên mẫu của họ. Nhưng cũng như lá The Empress biểu thị cho thế giới tự nhiên, lá The Emperor mang một ý nghĩa rộng hơn về việc thế giới xã hội “kết hôn” với tự nhiên. Ông biểu trưng cho những luật lệ của xã hội, cả điều tốt lẫn điều xấu, và quyền lực thi hành chúng.
Ở thời cổ đại, nơi vị nữ thần ngự trị, nhà vua có một chức năng đặc biệt. Cuộc sống mới chỉ có thể đến từ cái chết; do đó, mỗi mùa đông, những đại diện của nữ thần lại hiến tế cựu hoàng, họ thường xẻ ông ta ra và chôn các phần thân thể xuống đất, bằng cách đó làm đất đai màu mỡ một cách kỳ diệu. Về sau, khi những tôn giáo do phái nam thống trị đến thay thế, nhà vua đã trở thành biểu trưng cho sự cai trị của pháp luật kiểm soát những gì được cho là khởi thủy của bóng tối man rợ và hỗn loại thuộc trật tự cũ. Chúng ta thấy kịch bản này (rất giống phép thế xung độ bản năng bằng siêu kỷ của Freud) ở nhiều thần thoại; như chuyện Marduk, một anh hùng dân tộc của Babylon, đã giết Tiamat, người mẹ nguyên thủy của sự sáng tạo bởi vì bà đã sinh ra quái vật. Bất kể chúng ta có xem các cách thức cũ xưa là tàn ác hay cách thức mới là văn minh hay không thì lá The Emperor cũng biểu trưng rằng tính trừu tượng của xã hội đã thay thế sự trải nghiệm trực tiếp giới tự nhiên.
Ở La Mã, ý niệm luật pháp chống lại hỗn loạn được đưa đến nơi mà sự ổn định, hay “luật pháp và trật tự” theo cách gọi hiện đại, trở thành bản thân những đức hạnh, tách rời khỏi đạo đức vốn có của những luật lệ đó. Không một quy trình nào có thể thực hiện trong tình trạng vô chính phủ (tạo nên những tranh cãi); những luật lệ tồi cần phải được thay đổi, nhưng đầu tiên luật pháp phải được tuân thủ bằng bất cứ giá nào. Những cách tiếp cận khác có thể phá hủy xã hội. Ngày nay, chúng ta xem xét góc nhìn này khi nó đã được gộp trong một khái niệm trừu tượng mà ta gọi là “hệ thống”. Người La Mã nhìn nó một cách cụ thể hơn bằng hình tượng The Emperor, người được mô tả là cha của tất cả con dân.
Trong khía cạnh tích cực nhất của ông, The Emperor cho thấy sự ổn định của một xã hội đúng nghĩa cho phép thành viên của nó theo đuổi những nhu cầu cá nhân và sự phát triển. Thế giới tự nhiên thì hỗn độn, nếu không có các kiểu cấu trúc xã hội, mỗi người chúng ta có thể sẽ dành cả đời đấu tranh để sống sót. Xã hội cho phép ta vừa làm việc với nhau vừa hưởng lợi từ những trải nghiệm của những người đi trước.
Sự ổn định cũng cho phép tinh thần phát triển. Ở nhiều quốc gia xã hội ủng hộ những nhà thờ (mặc dù sự sắp xếp này có đẩy mạnh tinh thần hay không thì vẫn còn tranh cãi); ở một vài quốc gia phương Đông các tu sĩ được tự do theo đuổi việc học hành nghiên cứu vì những người thế tục sẽ cúng dường cho họ. Không có lề thói xã hội này họ sẽ phải dành thời gian làm việc để có cái ăn.
Ở những khía cạnh tiêu cực hơn của The Emperor, ông biểu thị cho những luật lệ phi lý trong một xã hội nơi sự ổn định tiên quyết hơn so với đạo đức. Một khi chúng ta lập luật pháp và trật tự thành cái tối cao thì một kẻ cai trị thối nát sẽ là một thảm họa. Nhưng nếu cả hệ thống đều thối nát thì chỉ sản sinh ra những kẻ cai trị tồi tệ, thì sự ổn định trở thành kẻ thù của đạo đức. Giá trị biểu tượng của The Emperor phụ thuộc rất lớn vào thời gian và nơi chốn. Ở một xã hội bất công, quyền lực của Emperor sẽ gây cản trở hơn là giúp đỡ sự phát triển cá nhân. Rất nhiều người bị tống giam vì công kích những luật lệ phi lý.
Tuy nhiên, thậm chí ở những mặt tích cực nhất của ông, The Emperor cũng còn những hạn chế. Trên sự tự phát của The Empress, ông đặt một mạng lưới những áp đặt. Nếu chúng ta không còn chạm vào những đam mê nữa thì cuộc sống sẽ trở nên lạnh lẽo và khô cằn. Lá The Emperor của bộ Rider được vẽ vừa già vừa nghiêm nghị, mặc giáp sắt, biểu thị cho sự cằn cỗi của cuộc sống bị cai trị hà khắc bởi các quy tắc. Dòng sông chảy mạnh mẽ qua khu vườn của The Empress đã trở thành một dòng suối nhỏ, chỉ vừa đủ thâm nhập vào sa mạc không sự sống.
Những biểu tượng khác của lá bài phản ánh những khía cạnh kép của nó. Ông cầm một cái ankh, một biểu tượng sự sống của Ai Cập, để ra hiệu rằng bên dưới pháp luật ông có mang sức mạnh của sự sống và cái chết, và hi vọng sẽ dùng nó một cách đúng đắn. Bốn con cừu đực, biểu tượng của cung Bạch Dương, trang trí trên ngai của ông trong khi ở đỉnh vương miện ông cũng mang dấu hiệu của cung Bạch Dương (không may thay tương đồng với một người thúc đẩy). Giờ thì, Bạch Dương biểu thị cho sức mạnh, xâm lược và chiến tranh, nhưng vì là dấu hiệu hoàng đạo đầu tiên, nó cũng biểu thị sự sống mới của mùa xuân, sự sống có thể xuất hiện từ tính ổn dịnh của một xã hội công bằng.
Là lá bài giữa của dòng Ẩn Chính đầu tiên, lá The Emperor biểu thị cho một bài kiểm tra cốt yếu. Trong tiến trình lớn lên, nó chắc chắn là nhũng quy tắc xã hội mà nhiều người thấy thật khó để vượt qua. Ta phải hấp thu những quy tắc này, cũng như những truyền thống và đức tin của xã hội chúng ta, rồi vượt ra ngoài chúng để tìm một tập hợp đạo đức riêng. Đây không có nghĩa là thái độ “quy tắc làm ra là để phá vỡ”. Những người cảm thấy bắt buộc phải phá hủy mọi luật lệ sẽ bị buộc vào những luật lệ đó giống như những người tuân theo chúng một cách mù quáng.
Bởi vai trò của người cha là dạy chúng ta cách cư xử được xã hội chấp nhận, những người bị mắc kẹt trong tầm mức của The Emperor thường là những người chưa bao giờ chấp nhận tính người tầm thường của cha họ. Họ có lẽ nhận ra nó một cách lý trí nhưng nó vẫn quấy rầy và ám ảnh họ. Vấn đề tương tự cũng quấy phá những ai vẫn xem The Empress là những đam mê và nhục dục của mẹ họ chứ không phải của họ.
Ý tưởng về lá The Emperor cũng nhưng ý tưởng và những giá trị hạn chế của cấu trúc xã hội nổi lên chính từ Waite và những môn đệ của ông. Bức tranh bên phải ở đầu phần này, lấy từ bộ Builders of the Adytum (BOTA) của Paul Fostr Case do Jessie Burns Parke vẽ, minh họa một truyền thống khác. Ở đây The Emperor biểu trưng cho tổng toàn bộ những tri thức tinh thần. Ông được vẽ nhìn nghiêng (thường thấy hơn so với hình vẽ mặt đầy đủ của bộ Rider), liên kết với hình ảnh Qabalah về Chúa như một “Ancient of Days” (*), một vị vua ngồi nhìn từ góc nghiêng. (Khuôn mặt của Ancient bao giờ cũng bị khuất, chỉ có vương miện của ông với hào quang bên dưới là lộ ra.)
Tay và chân của The Emperor hợp thành một tam giác đều trên một chữ thập, một dấu hiệu giả kim của lửa. Hình tượng này về sau đảo ngược (trong cả của Waite lẫn của Case) trong lá The Hanged Man. Như đã đề cập ở trên, đôi chân bắt chéo vuông góc nhau là một dấu hiệu bí truyền, được tìm thấy cả ở lá The World. Lá bài The Emperor của BOTA ngồi trên một khối lập phương chứ không phải là một ngai vàng. Cũng là một dấu hiệu bí truyền, khối lập phương biểu trưng cho cả thế giới lẫn bản thân Tarot, cũng như bảng chữ cái Hebrew và những con đường của Cây Sự Sống. Những biểu tượng xuất hiện từ việc một khối lập phương có mười hai cạnh, sáu mặt, ba trục đối xứng và tất nhiên là một trung tâm, đủ hai mươi hai, con số của các lá chính, của các ký tự Hebrew và của những con đường. Và bởi vì Cây Sự Sống được giữ để biểu thị tất cả mọi sáng tạo nên khối lập phương biểu trưng cho vũ trụ.
Trong giải bài lá The Emperor cho thấy (theo hình ảnh của bộ Waite) sức mạnh của xã hội, những luật lệ của nó và đặc biệt là quyền lực để thực hiện các luật đó. Sự có mặt của lá chính này cho thấy một sự dính dáng tới pháp luật. Một lần nữa, các giá trị tốt và xấu lại phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Một cách cá nhân hơn thì lá The Emperor có thể biểu thị một thời gian ổn định và trật tự trong cuộc sống của một người, mở ra một năng lượng sáng tạo đầy hi vọng. Ông cũng có thể biểu thị một người đặc biệt nắm giữ một quyền lực lớn, về cả vật chất lẫn cảm xúc, đối với vấn đề gặp phải. Điều này rất thường chỉ người cha, cũng có thể là người chồng hoặc người yêu, đặc biệt đối với những người đối xử với người yêu như một người cha thay thế để họ giao việc kiểm soát cuộc sống của mình vào tay người đó. Tôi từng thấy những giải bài bị The Emperor chế ngự đến mức tất cả những tiềm năng của cuộc sống đều trở nên bị kìm hãm và không được thỏa mãn.
Cũng giống như lá The Empress ngược, lá The Emperor, khi đảo chiều lại, sẽ nhận những yếu tố bổ sung cho những phẩm chất của ông khi ông ở chiều xuôi. Ông sẽ, theo cách nói của Waite, “đầy nhân từ và trắc ẩn”; một cuộc sống mới trong sa mạc đầy sỏi đá. Nhưng con lắc có thể lắc quá xa. Lá The Emperor ngược có thể biểu thị cho sự non nớt, sự bất lực để cho ra những quyết định nhanh chóng và thực hiện chúng.
(*) Ancient of Days là một danh hiệu của Chúa, là một trong những cái tên đầy lôi cuốn và mạnh mẽ được gán cho Chúa trong Kinh Thánh. Đây là cái tên theo tiếng Xy-ri của Chúa (Aramaic name), chuyển ngữ tiếng Anh là Atik Yomin. Cả nghệ thuật Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo đều mô tả Ancient of Days là một ông lão rất già, đại diện cho sự tồn tại trước khi thời gian bắt đầu, hoặc một người rất trẻ, biểu thị rằng Chúa vượt cả thời gian.
.
Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com
Trả lời