78 Độ Minh Triết - Các Phiên Bản Tarot Khác Nhau

78 Độ Minh Triết – Các Phiên Bản Tarot Khác Nhau

78 Độ Minh Triết – Các Phiên Bản Tarot Khác Nhau


Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

(Dịch: Pansy88)

CÁC PHIÊN BẢN TAROT KHÁC NHAU

Quay lại mục lục

Các Phiên Bản Tarot Khác Nhau

Hầu hết các phiên bản Tarot hiện đại không khác nhiều với những lá bài từ thế kỷ 15. Chúng vẫn giữ nguyên 78 lá bài được chia thành 4 bộ, Gậy, Ly, Kiếm và Đồng xu hay Biểu tượng, được gọi chung là “bộ Ẩn Phụ” (Minor Arcana) và 22 lá chính được gọi là “bộ Ẩn Chính” (Major Arcana) (từ “arcanum” có nghĩa là “kiến thức bí mật”). Sự thật là có sự thay đổi đáng kể trong một vài hình ảnh, nhưng mỗi phiên bản thường giữ lại những ý nghĩa cơ bản. Ví dụ như có một vài phiên bản rất đa dạng cho lá Emperor, nhưng tất cả chúng đều biểu hiện cho những tính chất của một vị Hoàng Đế. Nhìn chung, những thay đổi này đều có xu hướng mở ra nhiều biểu tượng và khiến bộ bài trở nên huyền bí hơn.

Cuốn sách này dùng tư liệu nguyên thủy của nó, bộ Tarot của Arthur Edward Waite, bộ Rider vô cùng nổi tiếng của ông (được đặt theo tên của nhà xuất bản ở Anh đã xuất bản nó) xuất hiện vào năm 1910. Waite bị chỉ trích vì đã thay đổi vài lá chính so với hình ảnh đã được công nhận của chúng, chẳng hạn như hình ảnh quen thuộc vẽ hai đứa bé nắm tay nhau trong vườn ở lá The Sun. Waite đã đổi nó thành một đứa bé cưỡi ngựa chạy ra khỏi vườn. Những lời chỉ trích cho rằng Waite đã đổi nghĩa của lá bài theo cách nhìn riêng của mình. Có lẽ là vậy bởi Waite tin vào những quan niệm riêng của mình hơn là của bất kỳ ai khác. Nhưng ít ai chịu để ý rằng phiên bản sớm nhất của lá The Sun, tức là phiên bản của Bembo, không hề giống với phiên bản được cho là “truyền thống” kia. Chắc chắn là phiên bản ấy có vẻ gần với Waite hơn; bức tranh thể hiện một đứa trẻ lạ kỳ bay trong không trung, cầm một quả cầu với hình ảnh một thành phố bên trong.

Sự thay đổi ấn tượng nhất mà Waite và họa sĩ của ông, Pamela Colman Smith, đã thực hiện là thêm vào hoạt cảnh cho tất cả các lá bài và thêm vào những lá số của bộ Ẩn Phụ. Có thể dễ dàng thấy được rằng tất cả những bộ bài trước đó, cũng như nhiều bộ về sau, có những mẫu hình học đơn giản cho những lá bài “phụ”. Ví dụ như lá Mười Kiếm (10 of Swords) sẽ vẽ 10 thanh kiếm sắp xếp thành một mô hình khá giống với lá bài hậu duệ của nó là lá 10 bích. Bộ Rider lại khác hẳn. Lá Mười Kiếm của Pamela Colman Smith vẽ một người đàn ông nằm dưới một đám mây đen với mười thanh kiếm cắm trên lưng và hai chân.

Chúng ta không biết rõ ai là người thiết kế những lá bài này. Là Waite tự mình nghĩ ra (như ông đã làm với bộ Ẩn Chính), hay ông chỉ đơn giản nói với Smith những tính chất và ý nghĩa ông muốn và để bà nghĩ ra cảnh tượng? Cuốn sách của Waite về TarotThe Pictorial Key to the Tarot, không giải thích nhiều lắm về các bức vẽ. Đối với một số lá bài, như lá Sáu Kiếm (6 of Swords) chẳng hạn, hình ảnh cho nhiều ý nghĩa hơn là Waite dự kiến, trong khi những lá bài khác, điển hình như lá Hai Kiếm (2 of Swords), hình ảnh lại hầu như phủ định ý nghĩa.

Dù là Waite hay Smith thiết kế những hình ảnh này đi nữa, họ cũng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ lên những người vẽ Tarot sau này. Hầu hết các bộ bài có hoạt cảnh trên mỗi lá đều dựa rất sát vào những bức tranh của bộ Rider.

Waite gọi bộ bài của mình là “bộ Tarot đã chỉnh sửa”. Ông khẳng định rằng những hình ảnh của mình “trả lại” ý nghĩa thực sự của những quân bài và xuyên suốt cuốn sách của mình ông khinh nhạo những người đi trước. Giờ đây, vì “đã chỉnh sửa” nên nhiều người sẽ nghĩ việc Waite là thành viên của một hội kín giúp ông tiếp cận được những bí ẩn “gốc” của Tarot. Thực ra ông chỉ có ý rằng những bức tranh của mình gán những ý nghĩa sâu xa hơn cho những lá bài. Đơn cử như khi ông hoàn toàn thay đổi lá Kẻ đa tình (The Lovers) vì nghĩ bức tranh cũ thật tầm thường và hình vẽ của ông biểu trưng một sự thật sâu sắc hơn.

Tôi không có ý nói rằng những lá bài của Waite chỉ là một công trình chứa nhiều tri thức đơn thuần, giống như một học giả sắp xếp lại những câu nói của Hamlet theo cách người đó thấy dễ hiểu hơn. Waite là một người bí ẩn, một nhà huyền học, một người theo đuổi huyền thuật và những cách tu tập bí truyền. BộTarot của ông dựa trên những trải nghiệm cá nhân sâu sắc về sự khai sáng. Ông tin rằng bộ bài của mình là đúng, của những người khác là sai vì nó đại diện cho sự trải nghiệm.

Tôi chọn bộ Rider làm tài liệu vì hai lẽ. Thứ nhất, tôi thấy nhiều cải tiến của nó rất có giá trị. Phiên bản Waite-Smith vẽ lá Kẻ Khờ (The Fool) cho tôi nhiều ý niệm hơn bất cứ lá bài nào trước đó. Thứ hai, đối với tôi mà nói sự thay đổi mang tính cách mạng trong bộ Ẩn Phụ dường như giải phóng chúng ta khỏi những thể thức đã chi phối chúng quá lâu. Trước đây, một khi đã đọc và ghi nhớ những ý nghĩa của lá Ẩn Phụ bạn vẫn không thực sự thêm chúng vào; những hình vẽ không gợi lên gì cả. Trong bộ Rider chúng ta có thể cho phép hình vẽ làm việc trong tiềm thức đồng thời thêm vào những trải nghiệm riêng của mình. Tóm lại, Pamela C. Smith đã cho chúng ta một thứ để mà giải nghĩa.

Ở trên tôi đã viết tôi chọn bộ Rider như là một tài liệu “nguyên thủy”. Hầu hết sách viết về Tarot đều dùng một bộ bài để minh họa. Sự tự giới hạn này có lẽ cứng ngắc đối với mong muốn trình bày một bộ Tarot “thực”. Khi chọn bộ này chứ không chọn bộ kia chúng ta thực ra đã tuyên bố rằng bộ này đúng còn bộ kia sai. Tuyên bố như vậy xảy ra đối với hầu hết các tác giả, như Aleister Crowly Thoth hay Paul Foster Case, người cho rằng Tarot là một hệ thống các biểu tượng của những kiến thức vật chất. Tuy nhiên, cuốn sách này xem xét những lá bài theo nguyên mẫu của những trải nghiệm hơn. Nhìn nhận theo cách đó thì sẽ không có bộ bài nào đúng hay sai, chỉ đơn giản là đi xa hơn nguyên mẫu. Tarot vừa là tổng hợp của những phiên bản khác nhau qua năm tháng, vừa là một thực thể tách khỏi chúng. Trong trường hợp một phiên bản khác Waite cho một lá bài đặc biệt nào đó có ý nghĩa sâu xa hơn, chúng ta sẽ xem xét cả hai hình ảnh. Trong một vài trường hợp, ví dụ như lá Ngày Phán Xét (Judgement) hay lá Mặt Trăng (The Moon), sự khác biệt không rõ ràng lắm, nhưng với những lá như Kẻ Đa Tình (The Lovers) hay Kẻ Khờ (The Fool), sự khác biệt lại rất rõ. Bằng cách xem xét những phiên bản khác nhau của cùng một trải nghiệm, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về trải nghiệm đó.

.

Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com

78 Độ Minh Triết – Các Phiên Bản Tarot Khác Nhau
2 (40%) 1 vote

Bình luận

Bình luận

Share this post


Chat Live Facebook