78 Độ Minh Triết - Lá Bài The Death | Bài Tarot gốc giá rẻ | Mystic Tarot Shop

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Death

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Death

Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

(Dịch: Pansy88)

CHƯƠNG V: QUAY VÀO BÊN TRONG

LÁ BÀI THE DEATH

Quay lại mục lục

Lá Bài The Death

Cũng như lá Lovers (ở ngay bên trên lá DeathArthur Waite phác thảo lá chính số 13 khác hẳn với hình ảnh chuẩn của Tarot. Bức hình bên phải, phía trên, lấy từ bộ Tarot Golden Dawn bí truyền, nhưng, thậm chí có vậy đi chăng nữa, nó cũng minh họa một thông điệp mang tính bản chất xã hội xa xưa hơn của Death. Cái chết đến với tất cả mọi người, vua chúa hay thường dân đều như nhau. Tính dân chủ cơ bản này của cái chết là một chủ đề yêu thích của những giáo lý thời Trung cổ. Nó như một quan niệm trở đi trở lại ít nhất cho đến khi người Do Thái vẫn còn dùng cùng một cách để chôn người chết, với một tấm vải liệm trắng và một cái hộp gỗ thông trơn một màu, để với cái chết, người giàu cũng cùng đẳng cấp với người nghèo.

Như ta có thể đoán, sức mạnh vĩ đại của cái chết dẫn ta vượt khỏi sự dân chủ để đến với những ý nghĩa của cả triết học lẫn tâm lý học. Cái chết, cũng như sự sống, là bất diệt và luôn hiện hữu. Những hình thái riêng biệt luôn chết đi trong khi những hình thái khác bắt đầu tồn tại. Nếu không có cái chết dọn dẹp đi cái cũ thì không có thứ mới mẻ nào có thể tìm thấy một chỗ đứng trong thế giới này. Nhiều tiểu thuyết khoa học giả tưởng đã cho thấy một xã hội bạo ngược sẽ phát sinh nếu những nhà lãnh đạo của thế giới đó không chết đi. Tây Ban Nha giành độc lập sau cái chết của Franco là một minh chứng thích đáng cho tầm quan trọng của cái chết.

ý nghĩa lá bài tarot The Death

Khi chúng ta chết, da thịt sẽ mục rữa đi chỉ còn trơ lại khung xương. Bộ xương rốt cuộc rồi cũng sẽ mất đi nhưng ít nhất nó tồn tại đủ dài để gợi đến sự vĩnh hằng. Do đó, bộ xương trong lá bài của Golden Dawn ngụ ý rằng sự vĩnh hằng chiến thắng cái tạm thời. Ở đây, bộ xương cũng có một ý nghĩa huyền bí. Trên khắp thế giới, việc huấn luyện cho các pháp sư có bao gồm cả phương pháp tự nhìn thấy bộ xương của chính mình, qua việc dùng ma túy, thiền, thậm chí cả cách lột da mặt. Bằng cách giải phóng xương khỏi da thịt, pháp sư sẽ kết nối chính họ với sự vĩnh hằng.

Bởi vì sợ hãi cái chết nên người ta tìm kiếm nguyên do và giá trị nằm trong nó. Đạo Thiên Chúa dạy chúng ta rằng cái chết giải phóng linh hồn chúng ta khỏi xác thịt tội lỗi để ta có thể hợp cùng với Chúa trong một cuộc sống vĩ đại hơn sắp tới. Carl Jung đã viết về giá trị của việc tin vào kiếp sau. Không có nó, cái chết dường như quá kinh khủng để người ta có thể chấp nhận được.

Những người khác đã chỉ ra rằng cái chết hòa chúng ta với tự nhiên. Những ý thức tách ta khỏi thế giới sẽ bị xóa đi; dù thể xác có phân hủy, thì điều đó cũng chỉ có nghĩa rằng nó đang nuôi sống những sinh vật khác. Mỗi cái chết đều mang đến một sự sống mới. Nhiều người lại thấy quan điểm mình bị ăn mất quá khủng khiếp để mà suy ngẫm. Việc tiến hành ướp xác và sơn vẽ các xác chết theo cách hiện đại để chúng trông như vẫn còn sống, và rồi chôn chúng trong các quan tài kim loại được niêm kín bắt nguồn từ mong muốn duy trì sự tách biệt của cơ thể khỏi tự nhiên ngay cả khi đã chết.

Sự thật là, vì chúng ta sẽ không biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho cơ thể chúng ta một khi linh hồn đã rời đi mất, những gì chúng ta thực sự sợ hãi là tính cách bị tàn phá đi. Đó là khi cái tôi tự thấy mình tách biệt với sự sống; bởi vì nó chỉ là chiếc mặt nạ cái tôi không muốn bị chết đi. Nó ao ước bản thân có thể siêu việt hơn vũ trụ.

Nếu chúng ta có thể chấp nhận cái chết chúng ta sẽ có thể sống trọn vẹn hơn. Cái tôi không bao giờ muốn giải phóng năng lượng; nó cố tích lũy năng lượng chống lại nỗi sợ hãi cái chết. Kết quả là năng lượng mới không thể chảy vào. Chúng ta thấy điều này rất rõ trong hô hấp của con người khi họ hoảng loạn. Họ cố hít thật sâu không để không khí thoát ra và kết quả là họ thở gấp gáp.

Trong tình dục cái tôi cũng tích lũy năng lượng. Nó chống lại việc lên đỉnh và phó mặc bởi lúc đó cái tôi phần nào bị hòa tan. Ở nước Anh thời Elizabeth, việc giao cấu thường được gọi là “chết”. Và Death trong Tarot nằm bên dưới Lovers.

Bởi cái tôi bài xích ý tưởng chết đi và do đó làm chúng ta không thể tận hưởng cuộc sống nên đôi khi chúng ta phải bước những bước thật dài để vượt qua nó. Các nghi lễ kết nạp luôn dẫn đến một cái chết và sự tái sinh giả tưởng. Người được kết nạp được dẫn dắt đến tin tưởng rằng người ấy thực sự sắp chết rồi. Mọi thứ được sắp xếp để khiến cái chết này càng thực càng tốt để cái tôi sẽ bị đánh lừa và từ đó nó trải nghiệm sự hòa tan đáng sợ kia. Và rồi, khi người được kết nạp “tái sinh”, anh ta hoặc cô ta trải nghiệm một sự trưởng thành mới và một sự tự do mới của dòng năng lượng. Trong những năm gần đây, nhiều người đã trải nghiệm vài thứ rất giống những nghi lễ này bằng cách dùng ma túy. Họ tin rằng họ đang chết và họ cảm thấy chính mình được tái sinh. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị được biểu trưng trong lá The Hanged Man thì những trải nghiệm này có thể gây nên những xáo trộn sâu sắc.

Trái với những gì nhiều người tin tưởng, lá bài The Death không thực sự ngụ ý việc thay hình đổi dạng. Đúng hơn, nó cho ta thấy chính khoảnh khắc lúc chúng ta từ bỏ những chiếc mặt nạ cũ và cho phép sự biến đổi xảy ra. Có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ điều này hơn nếu xem xét tính tương đương của Tarot với phép chữa tâm lý. Bằng sức mạnh ý chí (Strength) của một người, với sự giúp đỡ của nhà trị liệu (The Hermit), cho phép anh ta hoặc cô ta nhận biết được mình thực sự là ai, và những tính khí hay nỗi sợ nào anh ta hoặc cô ta muốn bỏ đi (The Wheel và Justice). Sự nhận biệt này mang lại sự điềm tĩnh và một mong muốn phải thay đổi (The Hanged Man). Nhưng rồi một cơn sợ hãi bắt đầu. “Nếu ta từ bỏ thái độ của ta”, người này nghĩ, “có lẽ sẽ chẳng còn lại gì cả. Ta sẽ chết”. Chúng ta sống dưới tầm kiểm soát của cái tôi nhiều năm đến nỗi chúng ta tin rằng không còn gì khác ngoài nó tồn tại. Những chiếc mặt nạ là tất cả những gì ta biết. Thường thì người ta sẽ mắc lại việc chữa trị đến vài năm vì họ sợ phải buông bỏ. Sự hư vô của The Fool làm họ sợ chết khiếp.   

Những người đã béo nộn bao nhiêu năm ròng thường trải nghiệm một nỗi sợ tương tự nếu họ cố gắng ăn kiêng. “Mình đã luôn béo thế này rồi”, họ nghĩ. “Mình là một người béo. Nếu mình ốm đi mình sẽ không còn tồn tại nữa”. Sự thật là, thật như thế đấy. Cái “tôi” từng là người béo ấy sẽ không còn tồn tại nữa. Nhưng một thứ gì đó khác đã nảy sinh.

Hình vẽ lá chính số 13 của Waite làm tăng ý nghĩa tâm lý của lá bài Tarot. Bốn người là bốn hướng khác nhau để thay đổi. Nhà vua, gục xuống, thể hiện cái tôi cứng nhắc. Nếu cuộc sống đến với chúng ta với đầy đủ sức mạnh, cái tôi có thể sẽ sụp đổ; bệnh điên có thể là kết quả của sự bất lực, không thể thích nghi với những thay đổi lớn lao. Vị tu sĩ đứng thẳng và đối mặt trực tiếp với The Death; ông có thể làm vậy là vì có tấm áo choàng thô kệch cùng chiếc mũ bảo vệ và chống đỡ. Chúng ta thấy ở đây giá trị của một hệ thống niềm tin giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ cái chết. Cô trinh nữ biểu trưng cho một phần vô tội. Cái tôi không cứng nhắc, nhưng vẫn nhận thức được bản thân, không sẵn lòng phó mặc đi. Do đó, nàng quỳ gối nhưng quay đi chỗ khác. Chỉ có trẻ con, đại diện cho sự vô tội hoàn toàn, đối mặt The Death đơn giản với những đóa hoa.

The Death mặc giáp đen. Chúng ta đã biết màu đen và bóng tối biểu trưng cho nguồn sống cũng như sự kết thúc sự sống như thế nào. Màu đen hấp thụ tất cả những màu khác; cái chết hấp thụ tất cả sự sống của mỗi cá nhân. Bộ xương cưỡi một con ngựa trắng. Màu trắng khước từ mọi màu khác và do đó biểu trưng cho sự trong trắng, nhưng cũng biểu trưng cho hư vô. Đóa hồng trắng đại diện cho những ham muốn đã được tẩy rửa, cho lúc cái tôi chết đi tính ích kỷ và sự hà khắc cũng cần phải chết theo.

Ờ phía đằng xa của lá bài chúng ta thấy một mặt trời đang mọc giữa hai cây cột. Cái tôi thuộc về thế giới bên ngoài của tính nhị nguyên, phân tách và phân loại kinh nghiệm. Qua Cái chết chúng ta cảm nhận được quyền năng rực rỡ của Cuộc sống, thứ chỉ biết đến bản thân nó. Phong cảnh trước hai cây cột nhắc chúng ta về “vùng đất của Người chết” được mô tả trong các thần thoại. Chúng ta sợ cái chết của bản thể cũ của mình vì chũng ta không biết mong chờ gì sau đó. Một chức năng chính của những pháp sư đã nhìn thấy bộ xương của chính họ là đi trước qua Vùng đất của Người chết và do đó có thể dẫn dắt linh hồn của những người khác.

Một dòng sông chảy qua giữa lá bài. Những dòng sông, như ta đã thấy cùng với The Empress, biểu thị sự thống nhất của thay đổi và vĩnh cửu. Việc chúng dẫn về biển nhắc chúng ta về sự vô hình vô dạng và tính tổng hòa của vũ trụ. Con thuyền, làm gợi đến những con thuyền mai táng của các Pharaoh, đại diện cho bản ngã thực sự được đưa qua The Death để đến với cuộc sống mới.

Cho dù hình ảnh là gì thì tất cả các lá bài  The Death trong Tarot đều mang số 13. Dù phần lớn mọi người đều xem 13 là xui xẻo nhưng họ không biết tại sao. Trong nền văn hóa của chúng ta 13 ngụ ý chỉ Judas, vì hắn là người thứ mười ba tại Bữa Tiệc Ly, và do đó con số này biểu thị cái chết của Chúa Jesus (và của chúng ta nữa). Thứ Sáu ngày 13 đặc biệt xui xẻo vì Chúa chết vào ngày thứ Sáu. Nhưng chúng ta cũng có thể mô tả Chúa là người thứ mười ba. Cái chết dẫn đường đến sự hồi sinh.

Theo một cảm giác mang tính hình tượng hơn thì 13 xui xẻo bởi nó đưa ta vượt khỏi 12. 12 là một cái gì đó của một con số “hoàn hảo”. Nó kết hợp các nguyên mẫu của 1 và 2, nó biểu trưng cho hoàng đạo và do đó, cho vũ trụ, nó có thể được chia bởi 1, 2, 3, 4 và 6, nhiều số hơn bất cứ số nào khác. Số 13 hủy hoại sự tao nhã này. Nó không thể được chia bởi số nào khác ngoài 1 và chính nó. Một lần nữa, chúng ta có thể vượt ra khỏi những khía cạnh tiêu cực của tính biểu tượng. Đúng vậy, bởi nó phá hỏng sự hoàn hảo của 12, số 13 biểu thị một sự sáng tạo mới; cái chết đánh đổ đi các hình thái cũ và dọn đường cho cái mới.

Số 13 cộng lại bằng 4, lá The Emperor. Qua The Death chúng ta vượt qua cái bản ngã “xã hội” bên ngoài của chúng ta. Vì 13 là dạng cao hơn của 3, lá bài cũng gợi đến The Empress, và lần nữa nhắc chúng ta rằng sự sống tự nhiên và cái chết là không thể tách rời.  

Trong giải bài Tarot, lá The Death biểu thị đã đến lúc thay đổi. Thường thì nó biểu thị nỗi sợ phải thay đổi. Theo khía cạnh tích cực nhất nó cho thấy một sự dọn dẹp sạch sẽ những tính khí và sự cứng nhắc cũ để cho phép một cuộc sống mới trỗi dậy. Theo khía cạnh tiêu cực nhất nó biểu thị một nỗi sợ cái chết đến méo mó. Nỗi sợ này ăn sâu hơn nhiều so với mức độ nhiều người có thể nhận thấy, và thường một quẻ bài với nhiều dấu hiệu lạc quan sẽ kết thúc khá tệ vì có The Death nằm ở vị trí của những nỗi sợ hãi.

Lá chính này nếu đảo ngược sẽ biểu thị cho việc bị mắc kẹt lại trong những thói quen cũ. Waite nói đó là “tính ù lỳ, u mê, thờ ơ” trong cuộc sống. Cảm giác về một cuộc đời uể oải, chán ngán sẽ che đi những giây phút chiến đấu dữ dội của cái tôi để tránh phải thay đổi. Lá bài luôn biểu thị rằng The Death, với sự tái sinh ngay sau đó của nó, không chỉ là một khả năng mà còn là một cảm thức, một sự cần thiết phải có. Đã đến hồi kết thúc. Bằng cách chìm đắm trong u mê, cái tôi khiến sự nhận thức của vấn đề này không đến được với ý thức. Tính ù lỳ, chán nản và rầu rĩ thường che lấp đi những khiếp sợ bên trong chúng ta. 

.

Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com

78 Độ Minh Triết – Lá Bài The Death
5 (100%) 1 vote

Bình luận

Bình luận

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã xác nhận * Time limit is exhausted. Please reload CAPTCHA.


Chat Live Facebook